Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài 1: Nguy cơ thường trực

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp tại các địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thậm chí có người đã tử vong.

Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện hầu hết cơ sở kinh doanh có liên quan đến ngộ độc tập thể đều vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm ở nhiều mức độ. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Gia tăng về số lượng và cường độ ảnh hưởng

Chú thích ảnh
Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sài gòn - Nha Trang vụ ngộ độc do ăn cơm gà tại Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN phát

Nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại các bếp ăn, cửa hàng thực phẩm, trong đó có những điểm kinh doanh lớn, mỗi ngày đều đón tiếp lượng khách đông đảo.

Tháng 3/2024, tại Khánh Hòa, vụ ngộ độc tập thể nghiêm trọng xảy ra tại quán cơm gà Trâm Anh khiến 368 người phải vào viện khám, điều trị. Quán bán cho khách ăn tại chỗ và mang về nhưng không in phiếu thu tính tiền nên chủ cơ sở cũng không thống kê được số lượng người đã mua và sử dụng thức ăn do quán chế biến trong 2 ngày.

Cơ sở này cũng không lưu mẫu thức ăn nên đoàn kiểm tra không lấy mẫu được từng món ăn riêng biệt từ bữa ăn gây ngộ độc. Các món ăn trên khay thức ăn có thể nhiễm khuẩn chéo lẫn nhau nên cơ quan chức năng vẫn chưa thể xác định được món ăn nào chứa vi khuẩn gây ngộ độc.

Không lâu sau đó, tại Khánh Hòa lại xảy ra vụ việc 28 học sinh ở thành phố Nha Trang phải nhập viện với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy... sau khi ăn sáng với đồ ăn mua từ các hàng quán trên địa bàn và trước cổng trường.

Trước đó, tại Hội An (Quảng Nam) cũng xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm tại cơ sở bánh mỳ làm hơn 300 người nhập viện. Cơ sở này đã vi phạm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh, chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến với khu vực khác; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh. Các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh.

Tại Đồng Nai cũng có hơn 500 người nhập viện vì ngộ độc. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận tiệm bánh mì bán ra khoảng 1.000 chiếc bánh/ngày nhưng không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tại đây, có 4 người làm việc trực tiếp nhưng cũng không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe. Sở Y tế Đồng Nai xác nhận, phần lớn các mẫu thực phẩm lấy từ cửa hàng bánh mì này cùng mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân nhập viện điều trị có tỉ lệ nhiễm khuẩn Salmonella cao. Ngoài ra, một số mẫu khác nhiễm khuẩn E.coli.

Mới đây, tối 8/5, tại TP Hồ Chí Minh, 19 trường hợp nhập viện với các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm tại căng tin của ký túc xá. Hiện sức khỏe các sinh viên đã ổn định. Vụ việc được báo cáo lên Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh để điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột; động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ. Quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu, thực phẩm chưa đúng cách; nhu cầu sử dụng thực phẩm tươi sống, không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, phục vụ du lịch…

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, năm 2023 toàn ngành y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34.500 cơ sở vi phạm, trong đó hơn 12.000 cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỉ đồng.

Năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc, 28 người tử vong. So với năm 2022, số lượng vụ ngộ độc tăng gấp 2,3 lần, số lượng người tử vong tăng 1,6 lần.

Cảnh báo từ cách chế biến, bảo quản

Tình trạng ngộ độc thực phẩm và nhiễm độc thực phẩm đang ngày càng gia tăng về số lượng, mức độ nghiêm trọng, thậm chí đã có nhiều trường hợp tử vong vì sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Trong nhiều vụ ngộ độc, các món ăn liên quan thường được bày bán tại cửa hàng, quầy hàng rong trước cổng trường hoặc quán ăn bình dân, nơi mà việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thường gặp khó khăn.

Theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hầu hết các vụ ngộ độc thức ăn tập thể tại quán ăn, cửa hàng đều xuất phát từ nguyên nhân lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, quá trình chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến khiến thực phẩm bị nhiễm độc, thực phẩm không bảo đảm chất lượng... Bên cạnh đó, nhiệt độ hâm nóng thức ăn chưa đạt yêu cầu làm cho thực phẩm chưa nóng đều; bảo quản thực phẩm không đúng cách làm lây nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm.

Theo chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành, lượng vi khuẩn Salmonella trong thực phẩm phải đủ lớn mới có thể gây ra ngộ độc. Khi qua dạ dày, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt một phần bởi dịch vị, lượng Salmonella còn lại xuống tới ruột non mới có cơ hội phá hủy lớp niêm mạc ruột để gây ra triệu chứng ngộ độc.

Các chuyên gia y tế cũng nêu rõ: Người dân ăn thực phẩm hoặc đồ uống bị nhiễm khuẩn, có thể mất vài giờ hoặc vài ngày mới xuất hiện các triệu chứng ngộ độc. Nếu bị tiêu chảy hoặc nôn mửa, người dân cần uống nhiều nước, bù điện giải để tránh mất nước; đặc biệt không tự ý sử dụng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chống nôn, thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định: Tần suất xảy ra vụ ngộ độc tập thể nhiều như vừa qua là tình trạng đáng báo động. Với những bữa ăn tập thể, hàng quán bán nhiều hàng, hầu hết thức ăn được dự trữ trong kho. Do mua số lượng lớn nên các cơ sở không chọn lọc kỹ càng, thời gian bảo quản dài ngày nên nguy cơ nhiễm khuẩn thực phẩm là rất lớn.

Điều này khiến nhiều người cảm thấy lo ngại về nguy cơ ngộ độc thực phẩm liên quan đến những món ăn đường phố - một phần không thể thiếu và cũng là thói quen ẩm thực của nhiều trẻ em, người lao động cũng như giới trẻ hiện nay.

Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo toàn cho người dân

Hạnh Quyên (TTXVN)
Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân
Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN